Cảm nhận ca khúc "Chuyện Chúng Mình" (Trúc Phương) - Chuyện tình mang nỗi buồn "nhẹ nhàng" nhưng dai dẳng mãi về sau_ Nét Xưa

Đêm nay anh ngồi lặng yên nghe tôi kể chuyện xưa

bao năm lắng trong tim.

Tình mình từ thuở tuổi đôi mươi mà ta chưa biết nên để lỡ duyên đời.

Xinh xinh đây nét mực nghiêng trong lưu bút ngày xanh 

anh đã viết tặng tôi.

Đó là những lời ca của bài hát Chuyện Chúng Mình, một sáng tác vào năm 1961 cả nhạc sĩ nổi tiếng Trúc Phương. 

Bài hát là một trong những sáng tác đời đầu của ông với thể điệu Bolero, dù là không nổi tiếng như nhiều tác phẩm khác nhưng tôi lại rất thích bài hát này. Khi nghe nó, tôi lại thấy lòng bình yên đến lạ, sự nhẹ nhàng của từng lời ca tiếng nhạc ấy khiến cho lòng tôi không thể nào quên được.

Nhạc sĩ Trúc Phương

Cũng là một chuyện tình buồn vì không bao giờ có thể có được một cái kết hoàn mỹ. Nhưng nỗi buồn lại không “vồ vập”, không ồ ạt mà rất nhẹ nhàng. Và sự nhẹ nhàng ấy lại dai dẳng không bao giờ có thể dứt dù bao năm tháng đã trôi qua.

Sau bao nhiêu tháng ngày xa cách nhau, anh và tôi đã được gặp lại nhau đêm nay. Nỗi buồn đã nguôi ngoai theo năm tháng, “anh ngồi lặng yên nghe tôi kể chuyện xưa”, câu chuyện đã “lắng trong tim” chúng ta bao ngày qua. Ngày ấy chúng ta cùng nhau xây đắp một chuyện tình “từ thuở tuổi đôi mươi”, tôi vẫn nhớ “xinh xinh đây nét mực nghiêng trong lưu bút ngày xanh anh đã viết tặng tôi”... Nhưng chuyện đó đã qua rồi, đã là quá khứ xa xôi vì chúng ta đã “để lỡ duyên đời” khi vẫn còn chưa hiểu hết “thế nhân”.

Đêm nay anh ngồi lặng yên nghe tôi kể chuyện xưa

bao năm lắng trong tim.

Tình mình từ thuở tuổi đôi mươi mà ta chưa biết nên để lỡ duyên đời.

Xinh xinh đây nét mực nghiêng trong lưu bút ngày xanh 

anh đã viết tặng tôi.

Mời quý vị nghe lại ca khúc “Chuyện Chúng Mình” Trình bày: Chế Linh

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Chuyện Chúng Mình” Trình bày: Chế Linh

Mời quý vị nghe lại ca khúc “Chuyện Chúng Mình” Trình bày: Thanh Thuý, Trúc Mi

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Chuyện Chúng Mình” Trình bày: Thanh Thuý, Trúc Mi

 Nhưng hôm nay đây, được gặp lại nhau, được “ôn lại chuyện chúng mình”, được nói hết cõi lòng còn vướng bận, như vậy là “mông đời” cũng đã trọn lắm rồi. Anh nói về cuộc đời “đã bao năm gió sương gót chân in chiến trường”, phải “làm quen với đêm canh gió lộng”, làm bạn “với mưa khuya núi rừng” - đâu phải vì phụ bạc hay quên lãng mà rời bỏ tôi, anh là vì trọng trách, là vì chí trai muốn kiếm tìm hòa bình cho đất nước. Vậy là chúng ta xa nhau, hai người hai con đường, hai hướng đi,...

Mộng đời còn có hôm nay, ta hẹn gặp nhau đây

ôn lại chuyện chúng mình.

Đời anh đã bao năm gió sương gót chân in chiến trường.

Làm quen với đêm canh gió lộng, với mưa khuya núi rừng.

 

Đời tôi ngày ngày khi chiều chết trên đường phố.

Giọng ca nhịp đàn mong gửi tám hướng tâm tư.

Dù xa nhau anh ơi! Lòng ta luôn nhớ đời

thì chờ mong còn dài.

Tôi lặng lẽ sống cho qua tháng ngày, có lẽ vì đã mất đi niềm vui, tôi tìm niềm an ủi khi ánh sáng qua đi - “khi chiều chết trên đường phố”. Tôi dùng “giọng ca nhịp đàn mong gửi tám hướng tâm tư”, để muốn anh biết rằng, muốn anh hiểu rằng dù chúng ta có xa nhau thì lòng tôi vẫn luôn nhớ, luôn mong và luôn đợi chờ. Và tôi biết rằng anh cũng thế. Đó chính là niềm an ủi của chính tôi khi sống mà không biết đến tương lai cuộc tình mình sẽ đi về nơi đâu.

Mai anh đi rồi làm sao tôi ngăn được

thà vui đi cho trót đêm nay.

Nhiều lần mình trắng bàn tay như chuyện xa xưa ấy

xin đừng nhớ hay buồn.

Giờ gặp lại đây, một đêm làm sao mà nói hết? Ngày mai anh lại đi “làm sao tôi ngăn được”, thôi thì “thà vui đi cho trót đêm nay”. Bởi vì cuộc đời có ai biết trước điều gì sẽ đến vào ngày mai, như là ngày xưa ấy chúng ta cũng đã từng lỡ mất nhau, vậy cho nên giờ đây, và cả những ngày tiếp theo nữa “xin đừng nhớ hay buồn”.

Bởi vì qua đêm nay chúng ta sẽ “không sống vì nhau khi kẻ ở người đi”, chúng ta sẽ sống vì những điều không thể nào đoán trước được, thế cho nên “thôi thương tiếc làm chi”. Đêm nay, đang còn được ở bên nhau, thì cứ trân trọng những giây phút này. Ngày mai chúng ta lại sẽ đi về “ngõ tối hai nơi”, đi về hai phương trời cách biệt, nhưng cũng sẽ có chung “vài vì sao rơi”. Nên chấp nhận, nên tạm biệt nhau, sẽ nhớ nhau, nhưng ngày tháng rồi cũng sẽ qua.

Đôi ta không sống vì nhau khi kẻ ở người đi

thôi thương tiếc làm chi.

Mình về ngõ tối hai nơi có vài vì sao rơi

đêm hò hẹn hết rồi.

Ai cũng sẽ có một quá khứ, sẽ có một câu chuyện tình thật đẹp khi nhìn lại. Đó là tình yêu của những buổi đầu chập chững bước vào con đường tình yêu, nhưng có mấy ai có được một kết cục cũng đẹp như là mơ ấy? Nhưng không vì thế mà đau khổ, mà buồn vương mãi. Hãy học cách chấp nhận để mà sống tiếp những tháng ngày còn lại của cuộc đời mình, không vì ai cả mà vì chính mình, để khi gặp lại chúng ta có thể thoải mái ngồi đối diện nhau, thoải mái kể cho nhau nghe về câu chuyện quá khứ, về cuộc đời của hiện tại và về những gì trong tương lai… giống như là nhạc sĩ Trúc Phương và Chuyện Chúng Mình vậy.

 
 

Hồi Ức Sài Gòn Xưa biên soạn