Cảm nhận ý nghĩa tuyệt phẩm "Hàn Mặc Tử" (Trần Thiện Thanh) - "Ai mua trăng, tôi bán trăng cho..."_ Nét Xưa

"Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ
Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò..."

Có lẽ bất cứ ai là tín đồ của nhạc vàng thì đều biết đến và quá quen thuộc với những ca từ này, và có lẽ, ngay cả những ai không là tính đồ của nhạc vàng cũng biết. Vì Hàn Mặc Tử của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh theo bản thân tôi cảm nhận thì đã là một tuyệt phẩm trong giới âm nhạc và nghệ thuật.

Bất cứ ai, nếu đã từng học qua thì đều biết đến Hàn Mặc Tử, ông là một nhà thơ lớn, là người khởi xướng ra Trường Thơ Loạn và cũng là người tiên phong của dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam vô cùng nổi tiếng trong suốt những năm cuối thập niên 30 của thế kỷ trước (cho đến tận bây giờ). Nhưng tiếc thay, con người tài hoa ấy lại có một số phận mang đầy “bi thương”. Số phận ấy, đã được lưu lại đến ngày hôm nay qua biết bao nhiêu cách thức, đặc biệt nhất và được nhiều người biết đến có lẽ chính là nhạc phẩm Hàn Mặc Tử, tuyệt phẩm của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh mà tôi đã nhắc đến ở trên.

Như một mối duyên đã được ông trời sắp đặt, nhạc sĩ Trần Thiện thanh ra đời vào năm 1942, hai năm sau ngày mất của thi sĩ Hàn Mặc Tử, trên chính mảnh đất minh chứng cho mối tình đau thương sâu nặng của nhà thơ cùng người yêu Mộng Cầm, mảnh đất Phan Thiết. Và để mở đầu cho câu chuyện viết về một nhà thơ được xem như huyền thoại, nhạc sĩ bắt đầu bài hát bởi những ý thơ vẹn nguyên được chắt lọc trong những vần thơ của chính Hàn Mặc Tử:

Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ
Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò.
Nếu để ý, thì các bạn sẽ biết được ý những câu hát này được lấy từ hai bài thơ rất nổi tiếng là: 
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…(trích trong bài Trăng Vàng, Trăng Ngọc)

Và: Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu

       Đợi gió đông về để lả lơi… (trình bài Bẽn Lẽn)

Đó dường như cũng chính là tâm tình và nỗi lòng của “chàng trai” tài hoa mà bạc mệnh mang tên Hàn Mặc Tử ấy.

 Mời quý vị nghe lại ca khúc “Hàn Mặc Tử” do chính nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (ca sĩ Nhật Trường) trình bày (thu âm trước 1975)

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Hàn Mặc Tử” Trình bày: Trần Thiện Thanh (thu âm trước 1975)

Mời quý vị nghe lại ca khúc “Hàn Mặc Tử” Trình bày: Trúc Mai (bản thu âm đầu tiên trước 1975)

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Hàn Mặc Tử" Trình bày: Trúc Mai

Nơi tỉnh nhà Phan Thiết, từ nhỏ Trần Thiện Thanh đã cùng bạn bè dạo chơi ở những nơi mà ngày xưa thi sĩ Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm từng in dấu. 

Ấu thơ chưa biết gì, nhưng với tâm hồn của một người nghệ sĩ, theo thời gian, ông lớn dần, lớn dần và tâm hồn cũng dần cảm nhận được những cảm xúc mà dường như chỉ có ông mới có thể cảm nhận - về con người ấy, cuộc sống ấy, và cả câu chuyện tình đầy nuối tiếc ấy nữa… Nên khi đã là một chàng trai đủ chín muồi với tâm hồn của chính mình, cảm xúc của chính mình, ông đã viết: “Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa/ Lầu ông Hoàng đó, thuở nao chân Hàn Mặc Tử đã qua”...

Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa
Lầu ông Hoàng đó thuở nào chân
Hàn Mặc Tử đã qua
Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng
Tiếng chim kêu đau thương, như nức nở dưới trời sương
Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người tìm về giữa đêm buồn

Nhìn ánh trăng “treo nghiêng nghiêng” ông cảm giác như “bờ cát dài thêm hoang vắng”, trong không gian im ắng ông lại “tiếng chim kêu đau thương, như nức nở dưới trời sương” và cả tiếng “lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người tìm về giữa đêm buồn”... Dường như, tâm hồn ấy, con người ấy, nỗi lòng ấy của “người xưa ấy” nhạc sĩ có thể cảm nhận được, có thể nghe được, và nhìn thấy được…

Bước đến nơi đây, ông nhớ, ông mường tường đến những câu chuyện đã in hằn trong tâm trí mình từ những ngày ấu thơ - “Đường lên dốc đá nhớ xưa hai người đã một lần đến” - một con đường đã chứng kiến một tình yêu…

Sau khi quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp, Hàn Mặc Tử làm phóng viên phụ trách trang thơ cho tờ báo Công luận. Khi ấy, nàng Mộng Cầm ở Phan Thiết  cũng làm thơ và hay gửi lên báo. Như bắt gặp được sự đồng điệu của tâm hồn, hai người bắt đầu trao đổi thư từ với nhau, và ông quyết định ra Phan Thiết gặp Mộng Cầm. 

Họ cùng nhau gặp mặt, cùng nhau dạo chơi (như lời miêu tả của nhạc sĩ là “Lầu ông Hoàng đó thuở nào chân

Hàn Mặc Tử đã qua”) và cũng từ lần gặp mặt đó một tình yêu lãng mạn, nên thơ nảy nở giữa hai người.

Đường lên dốc đá nhớ xưa hai người đã một lần đến
Tình yêu vừa chớm xót thương cho chàng cuộc sống phế nhân
Tiếc thay cho thân trai, một nửa đời chưa qua hết
Trách thay cho tơ duyên chưa thắm nồng đã vội tan
Hồn ngất ngư điên cuồng cho trời đất cũng tang thương, 
mà khổ đau niềm riêng.

Nhưng thật đáng tiếc cho một con người tài hoa, tình yêu mới “vừa chớm” thì ông phát hiện ra mình mắc căn bệnh hiểm nghèo - “Tình yêu vừa chớm xót thương cho chàng cuộc sống phế nhân/ Tiếc thay cho thân trai, một nửa đời chưa qua hết”.

Thật ra thì căn bệnh phong của ông đã được phát hiện từ trước đó rất lâu, nhưng ông chỉ nghĩ đơn giản nó là một loại “phong ngứa” gì đấy bình thường thôi chứ không ngờ đó lại là một căn bệnh nan y không thể nào chữa khỏi.

Và kể từ khi phát giác và biết được tình hình của căn bệnh, ông và Mộng Cầm vẫn thư từ qua lại, nhưng cô lảng tránh dần thi sĩ, ít khi hò hẹn với nhau, như là câu hát mà nhạc sĩ đã mô tả tiếp theo “trách thay cho tơ duyên chưa thắm nồng đã vội tan” - Thi sĩ cũng nhận ra và hiểu được điều đó nghĩa là gì, nhưng ông còn biết làm được điều gì hơn nữa ngoài việc chấp nhận số phận đau thương của chính mình và “hồn ngất ngư điên cuồng cho trời đất cũng tang thương, mà khổ đau niềm riêng”.

Câu chuyện vẫn tiếp tục tiếp diễn theo lời kể chứa trọn những cảm xúc của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, “Hàn Mặc Tử xuôi về quê cũ, dấu thân nơi nhà hoang” - Khi bệnh tình ngày một trở nặng, thi sĩ quyết định trở về nơi quê nhà. Về Quy Nhơn, ông thuê một căn nhà nhỏ nằm ven bãi biển Ghềnh Ráng, cạnh một đồn lính Tây của hai chị em người đàn bà góa để trú ngụ. Hàng ngày có em họ ông tên là Phạm Hành (em con chú ruột của Hàn Mặc Tử). Vì quá thương anh sớm lâm trọng bệnh mà ông bỏ học để theo chăm sóc cho ông.

Mặc cảm bệnh tật, ông cũng cắt đứt mọi liên lạc với bạn bè và cả Mộng Cầm, người mà ông yêu thương và chỉ làm bạn với những vần thơ của chính mình. Tình yêu đó, kiếp này ông biết thôi đành phải bỏ lỡ mà thôi - “Tình đã lỡ xin một câu hứa, kiếp sau ta trọn đôi/ Còn gì nữa thân tàn xin để một mình mình đơn côi”.

Hàn Mặc Tử xuôi về quê cũ, dấu thân nơi nhà hoang
Mộng Cầm hỡi thôi đừng thương tiếc, tủi cho nhau mà thôi
Tình đã lỡ xin một câu hứa, kiếp sau ta trọn đôi
Còn gì nữa thân tàn xin để một mình mình đơn côi.
 Tìm vào cô đơn đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến
Người xưa nào biết, chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa
Chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm nghe trăng vỡ
Xót thương thân bơ vơ, cho đến một buổi chiều kia
Trời đất như quay cuồng khi hồn phách vút lên cao
Mặc Tử nay còn đâu?

 Mời quý vị nghe lại ca khúc “Hàn Mặc Tử” Trình bày: Giao Linh

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Hàn Mặc Tử" Trình bày: Giao Linh

Mời quý vị nghe lại ca khúc “Hàn Mặc Tử” Trình bày: Thanh Tuyền

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Hàn Mặc Tử" Trình bày: Thanh Tuyền

  Ngày tháng trôi qua, bệnh tình của ông càng trở nặng, bản thân ông cũng ôm nỗi tuyệt vọng về tương lai mờ mịt được đếm từng ngày qua trước mắt. Đã quyết ôm trọn nỗi cô đơn và đớn đau để sống trọn những ngày còn lại cuối đời, nhưng chỉ 6 tháng sau khi chấm dứt liên lạc với người yêu, một tin tức trận động đã được truyền đến tai ông. Người mà ông yêu thương đã lên xe hoa về với người… “Người xưa nào biết, chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa/ Chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm nghe trăng vỡ” 

Tin tức đó như là một nhát dao chí mạng làm vỡ vụn trái tim vốn đang ngày đêm phải chịu đớn đau của ông. Tâm hồn ông, được nhạc sĩ miêu tả vô cùng chân thực bằng câu “chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm nghe trăng vỡ” - vỡ rồi, vớ thật suwk rồi, tình yêu ấy, bóng hình ấy ông đã khắc ghi trong trái tim, giờ đã thật sự tan biến rồi.

Dù đã chuẩn bị tinh thần và buông xuôi tất cả, nhưng có lẽ chính bản thân thi sĩ cũng không ngờ được rằng cuộc đời của mình, tình duyên của mình lại ngắn ngủi, lại “đoản mệnh” đến như vậy.

 

Và rồi, ngày định mệnh ấy cũng đến, ngày 11 tháng 11 năm 1940 thi sĩ đã từ biệt nhân gian với tuổi đời 28 - “Xót thương thân bơ vơ, cho đến một buổi chiều kia/ Trời đất như quay cuồng khi hồn phách vút lên cao/ Mặc Tử nay còn đâu?”

Cuộc đời một con người tài hoa cứ như thế đã kết thúc để lại trong lòng của mọi người, cho đến tận ngày hôm nay biết bao nhiêu là sự vấn vương, biết bao nhiêu là sự nuối tiếc. Tiếc cho một con người tài hoa vẫn chưa thể hiện hết được sự tài hoa của chính mình, tiếc cho một mối duyên tình ngắn ngủi chưa thành đã vội tan… Càng tiếc thương lại càng xót xa, càng đau lòng… Và dường như, người nhạc sĩ ấy đã cảm nhận được, đã lắng nghe được những lời oán than muôn đời còn vang vọng mãi:

Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ
Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng…

Hàn Mặc Tử, nhạc phẩm có thể nơi là nổi tiếng nhất trong số những nhạc phẩm để đời của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Và có lẽ, chính bản thân ông cũng không ngờ rằng, cuộc đời của ông đến sau cùng củng cũng có những điểm giống với người thi sĩ tài hoa mà bạc mệnh này.

Ông cũng mắc một căn bệnh nan y và ra đi trong sự cô đơn và giày vò của bệnh tật vào năm 2005 và ra đi trên xứ người ở tuổi 62.