Đường Phố Sài Gòn cuối thế kỷ 19 qua bộ ảnh hiếm ngày xưa _ Nét Xưa

   

Có lẽ hầu hết chúng ta hiện nay không thể hình dung được đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn những năm cuối thế kỷ 19 như thế nào.

Sài Gòn năm 1890

Thực dân Pháp chiếm được Gia Định và bắt đầu xây dựng thành phố Sài Gòn từ những năm thập kỷ 1860, và trong hàng chục năm sau đó thì Sài Gòn vẫn là một đại công trình, cho đến thập niên 1880 thì dáng vẻ của một “hòn ngọc ở Viễn Đông” mới dần được hình thành. Tờ báo Courier de Saigon số ra ngày 5/6/1885 cho biết như sau:

“Những nơi trước đây người ta hầu như chỉ thấy những con đường, những hố nước dơ, thậm chí là những hố sâu thì nay trải dài những đường phố rộng rãi và hoàn toàn lát đá dăm nện (từ nay du khách sẽ không cần đến mấy chỗ nện gót cho giày nữa). Những con đường chính được quy hoạch vuông góc nhau theo phong cách hiện đại hiện nay đã chạy ngang dọc khắp thành phố. Sài Gòn lúc này được quy hoạch nằm giữa sông Sài Gòn, con đường Imperatrice (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), đại lộ Chasseloup-Laubat (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) và rạch Thị Nghè, có diện tích dường như đủ cho các yêu cầu của thuộc địa trong một thời gian dài. Các bến tàu, trước đây ít người dám mạo hiểm ra vào mùa mưa dù đi xe ngựa, thì nay đã bằng phẳng, vững chắc và sẽ không lâu nữa trở thành một nơi đi dạo tuyệt đẹp”.

 
Một con đường đất ở Sài Gòn. Trong những năm đầu, đường ở Sài Gòn vẫn chỉ là đường đất, con đường được rải nhựa đầu tiên của Đông Dương là đường Catinat từ thập niên 1880

Vài chục năm sau kể từ khi Pháp bắt đầu xây dựng Sài Gòn, dân số tăng lên đáng kể, địa giới hành chính của Sài Gòn liên tục được mở rộng. Ngoài việc mở rộng địa giới, quy hoạch đường sá ở Sài Gòn – Chợ Lớn, thì việc quy hoạch nhà ở cũng được chính quyền Pháp đặt ra nhiều quy định. Điển hình như nghị định ngày 21/2/1878 của Đốc lý Sài Gòn được Thống đốc Nam kỳ thông qua, nghiêm cấm việc xây nhà tranh vách lá trong nội đô Sài Gòn, trừ trường hợp nhà này cách nhà kia ít nhất 150m. Sau 8 ngày ban hành nghị định, nhà tranh vách lá nào không đáp ứng được yêu cầu sẽ bị dỡ bỏ.

Một trong những tấm ảnh cổ xưa nhất của Sài Gòn, chụp năm 1866, cảnh cảng Sài Gòn, cầu Khánh Hội thuở ban đầu bắt qua rạch Bến Nghé

Từ khi Nam kỳ có Thống đốc dân sự đầu tiên vào năm 1879 là Charles Le Myre de Vilers (trước đó dưới quyền các đô đốc hải quân), Sài Gòn bắt đầu có những kế hoạch đô thị hóa mạnh mẽ, đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhà cửa, khách sạn, dinh thự, hãng buôn… được mọc lên rất nhanh dọc theo các đường lớn Charner, Catinat…

Dinh thống đốc Nam kỳ năm 1875, sau là dinh Độc Lập
Sài Gòn thập niên 70 của thế kỷ 19

Ông Vilers lập ra Ủy ban nghiên cứu về giao thông đường biển, đường bộ, Sài Gòn có bộ mặt mới, địa giới Sài Gòn – Chợ Lớn liên tục được mở rộng.

 

Những hình ảnh Sài Gòn những năm cuối thế kỷ 19 :

Tòa Hòa Giải trên đại lộ Charner, nhìn từ đường d’Ormay (nay là Mạc Thi Bưởi). Vị trí tòa nhà này ngày nay là Sunwah số 115 Nguyễn Huệ

 
Những người bán rong ở Sài Gòn năm 1895

 
Hình ảnh công trường Rigault de Genouilly (nay là công trường Mê Linh) và đường Quai du Commerce (sau này là Bến Bạch Đằng) năm 1885
Công trường Rigault de Genouilly năm 1890
Trụ sở Phòng Thương Mại năm 1895 địa chỉ số 11 Rigault de Genouilly, nay là Công Trường Mê Linh. Đây được xem là một trong những tòa nhà lâu đời nhất ở Sài Gòn, được xây dựng năm 1867, chỉ vài năm sau khi Pháp chiếm Gia Định (1862). Tòa nhà này tồn tại gần 150 năm trước khi bị phá bỏ năm 2015 để nhường chỗ cho cao ốc Hilton Saigon 33 tầng
Bưu Điện Sài Gòn năm 1890, mười năm sau khi nó được xây dựng
Bưu Điện Sài Gòn năm 1895
Dinh Gia Long năm 1890, đây cũng là năm mà tòa nhà này được xây dựng xong. Ban đầu tòa nhà này được xây để làm bảo tàng thương mại, nhưng ngay khi vừa xây xong thì nó trở thành nơi làm việc của Thống đốc Nam kỳ lúc đó là Henri Éloi Danel (sau khi đã nhường dinh Norodom lại cho cấp trên là Toàn quyền Đông Dương Ernest Constans sử dụng).
Tàu thuyền trên sông Sài Gòn năm 1888, đoạn bến Bạch Đằng (lúc này mang tên là Quai du Commerce)
Nhà thờ Đức Bà năm 1888

Nhà thờ Đức Bà năm 1895, khi chưa có 2 tháp nhọn
Đường Catinat khoảng đầu thập niên 1890, phía trước là Nhà thờ lúc chưa có tháp nhọn. Bên phải là bót Catinat nổi tiếng

Đường Catinat lúc này có cây xanh dày đặc, cứ 5m có một cây xanh, gồm me và nhiều loại cây khác. Sau vài chục năm, cây cối ven các đường phố trở nên um tùm, rậm rạp đến mức nhiều người lo lắng đến vấn đề vệ sinh môi trường và đề nghị phải chặt bớt. Ngay những hàng cây me ở đường Catinat cũng hai lần (1903 và 1912) suýt bị hạ sau những cuộc tranh cãi kịch liệt trong Hội đồng thành phố giữa những người muốn giữ lại và những người muốn chặt bỏ.

Nhà thờ Đức Bà sau khi được xây thêm tháp nhọn vào năm 1895

Từ Nhà thờ nhìn ngược lại phía đường Catinat

Đường Catinat 1895
Lớn năm 1888, rạch Bến Nghé

Cầu Bình Tây phía trước chợ Bình Tây đầu tiên trong Chợ Lớn năm 1888
Bức ảnh góc phố Chợ Cũ năm 1885, góc đường d’Adran (nay là Hồ Tùng Mậu) với Somme (nay là Hàm Nghi). Tòa nhà giữa ảnh nay là tiệm Như Lan
Bức ảnh góc phố Chợ Cũ năm 1890, cùng một vị trí với ảnh bên trên
Chợ Cũ năm 1895 trên đại lộ Charner

Đường xe lửa trước Chợ Cũ Sài Gòn ở đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ)

Vườn bách thảo năm 1890, nơi ngày nay là Thảo Cầm Viên. Vườn bách thảo được xây dựng từ năm 1865, là 1 trong 8 vườn bách thảo lâu đời nhất thế giới

Vườn bách thảo 1890

La Direction de l’Intérieur (Dinh Thượng Thơ) năm 1890 ở góc đường Catinat – Grandière, nay là Đồng Khởi – Lý Tự Trọng. Tòa nhà này được xây dựng từ năm 1875, hoàn thành năm 1881, là Nha giám đốc Nội vụ, từng là trung tâm quyền lực của toàn cõi Nam kỳ,

Dinh Thượng Thơ bên góc đường Grandière (nay là Lý Tự Trọng)

Dinh Thượng Thơ, góc đường ngang là Grandière. Sau 1955 đây là trụ sở Bộ Kinh Tế, nay là trụ sở của Sở Thông tin truyền thông

Đường Grandière thập niên 1890. Năm 1950 chính quyền Quốc Gia Việt Nam đổi tên đường thành Gia Long, đến năm 1975 đổi thành đường Lý Tự Trọng

Đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ) khoảng cuối thập niên 1880, khi vừa mới lấp kinh. Góc bên trái hình có thể thấy Nhà Thờ

Ngã 3 đường Catinat – Thủ Đức năm 1890. Góc đường này ngày nay là Đồng Khởi – Đông Du. Đường Thủ Đức (rue de Thuduc) ban đầu mang tên đường số 11, từ năm 1871 được đặt tên Thuduc, 1897 đổi thành Amiral Dupré, năm 1955 mang tên đường Thái Lập Thành, sau 1975 là đường Đông Du

Hôtel de l’Inspection trên đường Catinat năm 1895

Hôtel de l’Inspection là Dinh Tham Biện, tương đương với “Tòa Hành chánh” hay “Tòa Tỉnh trưởng” ở các tỉnh Nam kỳ. Sau năm 1955, đây là trụ sở Bộ Giáo Dục. Tòa nhà này bị phá bỏ vào cuối thập niên 2000 để xây Trung tâm thương mại Vincom ở công viên Chi Lăng

Tòa nhà văn phòng hãng tàu Compagnie des Messageries Maritimes ở khu vực Bến Nhà Rồng – Cảng Sài Gòn
Tàu của hãng Messageries Maritimes cập bến

Khu vực Cảng Sài Gòn năm 1882
Ảnh này được chụp cùng 1 vị trí, nhưng trước ảnh bên trên 20 năm