Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa ca khúc "Con Đường Xưa Em Đi" (Châu Kỳ, Hồ Đình Phương) - Chuyện tình yêu của đôi trai gái vì chiến tranh mà phải ngăn cách đôi đường_ Nét Xưa

   

Nhạc sĩ Châu Kỳ vốn xuất thân là một ca sĩ, đến năm 1943 sau chấn động vì cái chết của mẹ ông bắt đầu sáng tác. Sau những sáng tác gặt hái được nhiều thành công, ông quyết định bỏ hẳn con đường ca hát và trở thành nhạc sĩ, và chú tâm vào con đường sáng tác cho đến hết đời. 

Trong những ca khúc nổi tiếng của ông, có lẽ “Con Đường Xưa Em Đi” chính là ca khúc nổi tiếng nhất trong hơn nửa thập kỷ qua. Bài hát được ông phổ nhạc từ thơ do Hồ Đình Phương sáng tác vào khoảng năm 1967 đến 1968, và được phát hành chính thức vào ngày 1/9/1969

Theo lời kể của bà Kha Thị Đàng (vợ nhạc sĩ Châu Kỳ) thì thi sĩ Hồ Đình Phương lấy cảm hứng từ con đường đất nằm sau nhà máy giấy nơi bà làm việc. Con đường đó xuyên qua một cánh đồng lúa, và mọi người rất hay qua lại ở đó. Mỗi lần gặp bà đi qua ông hay nói vui câu “con đường xưa em đi” và một thời gian sau đó thì có bài hát này. Và dù chưa từng đi lính ngày nào nhưng vì để phù hợp với thị hiếu ngày đó nên bài ca vẫn mang sắc thái của hương vị chiến tranh:

“Con đường xưa em đi,

 vàng lên mái tóc thề, 

ngõ hồn dâng tái tê

Anh làm thơ vu quy,

khách qua đường lắng nghe 

chuyện tình ta đã ghi

 

Những mùa trăng vu quy,

vì mưa gió không về

Chiến trường anh bước đi

Có nàng hoen đôi mi, 

ngóng theo đường vắng hoe…

 Hỏi còn ai cố tri

Nghe lại ca khúc "Con Đường Xưa Em Đi" Trình bày: Chế Linh - Hương Lan

Bấm vào để nghe ca khúc "Con Đường Xưa Em Đi" Trình bày: Chế Linh - Hương Lan

Ca từ của bài hát mang trọn chất thơ, kể về câu chuyện tình yêu của đôi trai gái vì chiến tranh mà phải ngăn cách đôi đường. Nhưng vì câu chuyện của họ đã in hằn sâu đậm lên “con đường xưa em đi” ấy, nên khi chàng trai phải đi xa thì nỗi buồn cũng đã vương lên “mái tóc thề” của cô gái và cả “ngõ hồn” cũng dâng lên “tái tê”. Năm tháng càng trôi đi thì nỗi nhớ, nỗi buồn ấy cũng theo đó mà lớn lên từng ngày khiến nàng “hoen đôi mi”. Mà sự chờ đợi trong vô vọng người “cố tri” năm ấy lên đường ra chiến trường vẫn không một lời hồi đáp. Con đường vẫn lạnh lùng “vắng hoe” khoét sâu nỗi đau vào trong lòng người ở lại.

Chàng trai cũng thế, anh ở chiến trường chiến đấu khốc liệt, nhưng cũng không bao giờ ngưng nhớ về người thương. Không biết nơi ấy nàng có “trông vời một người xa cuối trời?”, còn nơi đây lòng anh thì vẫn “nhớ thương hoài” bóng dáng ấy:

“Em ơi! nhìn gió lên khơi,

lòng có trông vời 

một người xa cuối trời?

Nơi đây phiên gác canh dài, 

e ấp đôi lời mình còn nhớ thương hoài”

 

“Em ơi! màu áo phong sương, 

mình ước huy hoàng 

được bàn tay chính nàng

Dâng hoa, dâng hết ân tình

Tình đến bao giờ

Hỏi đường xưa mà nhớ 

 

con đường xưa em đi

Thời gian có quên gì

Đá mòn kia vẫn ghi, 

ghi một đêm trăng thanh

Quán bên đường vắng tênh

Chỉ còn em với anh.”

Nghe lại ca khúc "Con Đường Xưa Em Đi" Trình bày: Quang Lê - Lệ Quyên

Bấm vào để nghe ca khúc "Con Đường Xưa Em Đi" Trình bày: Quang Lê - Lệ Quyên

Nghe lại ca khúc "Con Đường Xưa Em Đi" Trình bày: Trường Vũ

Bấm vào để nghe ca khúc "Con Đường Xưa Em Đi" Trình bày: Trường Vũ

Anh vẫn luôn mong ước vào một ngày hòa bình, trở về con đường xưa ấy với “màu áo phong sương”. Và sẽ được “bàn tay chính nàng” “dâng hoa, dâng hết ân tình”, hai người sẽ nối tiếp cuộc tình đã bị ngăn cách với tất cả sự nhớ nhung, trông ngóng, chờ đợi. Họ sẽ cùng nhau bước trên con đường xưa, nơi dù “thời gian có quên gì” thì “đá mòn kia vẫn ghi”. Và trong khoảnh khắc ấy, ở một nơi bình dị nhất sẽ chỉ còn lại “em với anh”, hai tâm hồn đồng điệu với niềm hạnh phúc tràn ngập vì đã được trọn vẹn ước mong.

Bài hát về sau có rất nhiều dị bản khác nhau nhưng đều rất nổi tiếng. Có lẽ người ta nói đúng, bài nào càng có nhiều dị bản thì sẽ càng nổi tiếng. Nhưng cũng vì lẽ đó vào tháng 3 năm 2017, Cục Nghệ thuật Biểu diễn ra tuyên bố tạm dừng lưu hành ca khúc này (cùng với 4 ca khúc khác) vì lý lo những bản được lưu diễn đều bị sai lời do với bản gốc đã đăng ký trước đó, và những dị bản của nó cũng sẽ bị cấm lưu hành vĩnh viễn. Nhưng vì có nhiều ý kiến trái chiều nên ngày 14 tháng 4 năm 2017, “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du” lịch gửi công văn yêu cầu Cục Nghệ thuật Biểu diễn thu hồi quyết định trên, đồng thời yêu cầu cục này "tổ chức kiểm điểm sâu sắc" những cá nhân, tập thể có liên quan. Và ngay sau đó quyết định đã được thu hồi.

Góc Xưa Nét Cũ biên soạn