Nhạc sĩ Song Ngọc và đằng sau câu chuyện ca khúc nổi tiếng "Đàn Bà" _ GXNC

“Khi tới năm 1984, là tại tôi thấy qua bên Mỹ thì đàn bà ít mà đàn ông thì quá nhiều thì mới xuất hiện cái bản Đàn bà, bài hát nói lên tình trạng hiện tại của hải ngoại. Như cái câu tôi viết “Ôi đàn bà dịu ngọt đêm qua. Hay đàn bà lạnh lùng hôm nay” câu đó là có thật khi coi tin trên báo tôi thấy 1984 có ông đó với cô kia gặp nhau buổi tối rồi phải lòng nhau nhưng đến sang hôm sau cô ấy lạnh lùng bỏ đi”

Đó chính là lời của nhạc sĩ Song Ngọc khi được hỏi về hoàn cảnh mà ông đã tạo nên một tác phẩm nổi tiếng có 1 không 2 của mình - một bài hát có tựa đề chỉ vỏn vẹn 2 chữ Đàn Bà.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Song Ngọc rời xa quê hương và sinh sống tại hải ngoại. Tại đây, ông đã trở thành một doanh nhân có thể nói là thành đạt trong ngành địa ốc. Không phải suy nghĩ về vấn đề mưu sinh, cũng chẳng cần có quá nhiều sự tung hô như trước, những sáng tác của ông cũng bắt đầu “thoải mái” hơn, nói nhiều hơn về tâm niệm, nghĩ suy và quan niệm của bản thân hơn. Và thật bất ngờ, dường như ông lại càng thành công hơn với vai trò là một người nhạc sĩ, minh chứng điển hình nhất phải kể đến có lẽ chính là tác phẩm đã “làm mưa làm gió” trên thị trường âm nhạc - từ lúc nó được sinh ra cho đến tận ngày hôm nay - ca khúc mà tôi đã nhắc đến ở trên Đàn Bà.

Ca khúc này được nhạc sĩ Song Ngọc sáng tác vào giữa thập niên 90, có lẽ bởi lối tư duy và phong cách âm nhạc khác lạ mà nhạc sĩ sử dụng chưa từng xuất hiện trước đó, nên nó nhanh chóng làm “điên đảo” tâm trí của những người yêu nhạc: 

Đã từ lâu tôi vẫn thường trong bóng đêm

Mang nỗi buồn không biết tên

Tôi đã thầm thề mây hẹn gió.

Người đàn ông ấy, có lẽ là một con người rất cô độc, anh vẫn thường một mình “đã từ lâu”, “vẫn thường trong bóng đêm”, nhìn vào khoảng không gian trống vắng và u ám đang ở trước mắt, anh cảm nhận rằng đó như là cuộc đời của chính mình, một lối đi không rõ ràng, một lối đi không biết trước là sẽ về nơi đâu. Trong lòng anh mang một “nỗi buồn không biết tên”, và bởi vì nỗi buồn ấy anh đã “thầm thề mây hẹn gió”...

Và anh muốn mình sẽ sống một cuộc sống “cô đơn” như vậy đến hết quãng đời còn lại, anh muốn “lánh xa chuyện đời”, muốn “quên đi loài người”, và mong muốn lớn nhất, ước mong lớn nhất chính là “ước mơ trong cuộc đời không có đàn bà” - Có lẽ cuộc đời anh những ngày tháng trước đây cũng bình lặng như bao nhiêu người khác, cũng có niềm vui, nỗi buồn và cũng có tình yêu và những ước mơ tươi đẹp về một tương lai hạnh phúc. Và có lẽ tất cả niềm tin, hy vọng và ước mơ mà anh đã dùng hết tâm tư để gửi trao đã chỉ đổi lấy được những nỗi buồn, sự tổn thương và cả mất mát, nên giờ đây, anh ngập chìm trong đó, nặng nề chẳng thể thoát ra - rồi anh đắm mình trong suy nghĩ rằng nếu đời anh không gặp “đàn bà”, có lẽ giờ đây đã không phải buồn miên man, không phải mất phương hướng như là lúc này..

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Đàn Bà" Trình bày: Elvis Phương

Bấm vào Video để nghe ca khúc "Đàn Bà" Trình bày: Elvis Phương)

Tôi muốn lánh xa chuyện đời

Tôi muốn quên đi loài người

Tôi ước mơ trong cuộc đời không có đàn bà.

Thế nhưng, thế giới này đâu thể nào đổi thay chỉ với một mong ước nhỏ nhoi của anh. Cuộc đời đẩy đưa, “bỗng một hôm” tình cờ anh “với người quen biết nhau”. Cô bước vào lòng anh, một cách nhẹ nhàng, nhẹ nhàng đến mức mà anh không thể nào nhận ra được. Anh đơn giản suy nghĩ rằng “tình chỉ thế thôi”, tình cờ đến trong phút chốc, vui phút chốc để đó rồi cuộc đời anh sẽ vẫn bình thường như trước. Nhưng anh không thể ngờ rằng, cô gái ấy, người “đàn bà” ấy đã ở lại trong lòng anh, khiến cho anh cứ mãi “mang niềm nhớ”.

Bỗng một hôm tôi với người quen biết nhau

Tôi nghĩ tình chỉ thế thôi

Đầu biết lòng thầm mang niềm nhớ.

Tôi muốn lánh nhưng lại tìm

Tôi muốn quên nhớ càng nhiều

Tôi muốn xa nhưng lại gần hỡi đàn bà ơi.

Anh cố gắng gạt đi nỗi niềm ấy, cố gắng “muốn lánh nhưng lại tìm” - tìm kiếm bóng hình cô như là một bản năng. Anh cũng cố gắng muốn quên đi, muốn gạt hết những nỗi nhớ trong lòng mình, nhưng anh càng “muốn quên” thì lại “nhớ càng nhiều”. Lý trí của anh thì “muốn xa”, nhưng con tim thì lại chẳng thể làm theo mà cứ muốn lại gần hơn người đàn bà ấy. 

Nghe lại ca khúc "Đàn Bà" do Divos Opening trình bày


Bấm vào để nghe ca khúc "Đàn Bà" do Divos Opening trình bày

Tâm tư anh giằng xé, gào thét không thôi, tại sao anh lại cứ phải mãi đắm chìm, mãi lại gần “đàn bà” trong khi cũng chính “đàn bà” đã mang đến cho anh “những niềm đau” không thể nào nguôi ngoai?? Nhưng anh cũng nhìn thấy rằng “đàn bà” cũng chính là “ngọc ngà trăng sao”, cũng đẹp đẽ, cũng lung linh làm cho lòng người ta không thể nào không đem lòng yêu mến… Nhưng sự thật là thế nào đây khi cũng chính “đàn bà”, cũng chính họ “lại là con dao làm tim nhỏ máu”??

Ôi đàn bà là những niềm đau

hay đàn bà là ngọc ngà trăng sao

Ôi đàn bà lại là con dao 

làm tim nhỏ máu.

 

Ôi đàn bà dịu ngọt đêm qua

Hay đàn bà lạnh lùng hôm nay

Ôi đàn bà là vần thơ say

Khúc nhạc chua cay.

“Đàn bà” chính là như vậy, chính là một nửa thế giới mà đàn ông không thể nào có thể hiểu hết được hoàn toàn, họ có thể là “dịu ngọt đêm qua”, nhưng cũng sẽ là “lạnh lùng hôm nay” khiến cho người đàn ông không thể nào “lường trước” được (là mẫu tin trên báo mà nhạc sĩ đã đọc được) - Giờ thì anh cũng đã biết, đã nhận ra rằng “đàn bà” chính là như vậy, chính là những “vần thơ say” nhưng cũng chính là những “khúc nhạc chua cay” trong cuộc đời này.

Nghe lại ca khúc "Đàn Bà" do Thành An trình bày

Bấm vào để nghe ca khúc "Đàn Bà" do Thành An trình bày

Và anh cũng biết, tình yêu mà anh nhen nhóm, mà anh vẫn vương này cũng sẽ chỉ có mỗi mình anh “muôn kiếp buồn”, chỉ có mình anh cả đời “sầu nhớ” mà thôi, vì với cô, người “đàn bà” bước đến bên anh, rồi bước đi không chút vấn vương, anh biết cô “sẽ quên”, quên đi anh như bao người khác thoáng qua đời cô mà thôi. Nên đành vậy, anh sẽ chôn chặt tình yêu ấy tận nơi đáy lòng này, để cho cuộc đời lại thêm một chút buồn, một chút sầu… vấn vương.

Vĩnh biệt nhau thương chút tình nơi xứ xa

Tôi biết rồi em sẽ quên

Muôn kiếp buồn mình tôi sầu nhớ

Em đã đến như huyền thoại

Em đã đi không một lời

Ôi thế nhân, ôi cuộc đời hỡi đàn bà ơi.

“Em” người “đàn bà” đã bước đến bên cuộc đời anh “như huyền thoại”, khiến cho anh cảm nhận được niềm vui, sự hạnh phúc và cho anh cảm nhận được tình yêu, cho anh nhen nhóm lại ước mơ ở trong lòng, và rồi “Em đã đi không một lời” khiến cho anh lại đắm mình trong một màu u tối, buồn đau của cuộc đời. Anh đã biết, biết trước là sẽ như thế, biết trước rằng anh sẽ một mình buồn, một mình đau, một mình nhớ nhung,...nhưng anh vẫn không thể nào kìm được lòng mà bước đến bên “Em”, chính bản thân anh cũng không tài nào có thể lý giải được là tại sao?!! Chỉ biết chấp nhận nỗi đau này, và thốt lên với cuộc đời “Ôi thế nhân, ôi cuộc đời hỡi đàn bà ơi!!!”

 

Nghe lại những tình khúc để đời của nhạc sĩ Song Ngọc

Bấm vào Video để nghe "những tình khúc để đời của nhạc sĩ Song Ngọc"

Nghe lại ca khúc "Đàn bà" do Chế Linh trình bày

Bấm vào video để nghe ca khúc "Đàn bà" do Chế Linh trình bày

Cho đến nay, dường như không có nhạc sĩ Việt Nam nào viết về người đàn bà với giọng điệu vừa trách móc nhưng cũng đầy yêu thương như là nhạc sĩ Song Ngọc trong ca khúc Đàn Bà này. 

Những cung bậc cảm xúc trái ngược, đối lập nhau hoàn toàn trong bài hát, sự giằng xé của nội tâm ấy đã khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng bài hát là được nhạc sĩ sáng tác cho chính cuộc đời mình và những đau thương mà ông đã trải qua trong tình yêu. Nhưng sự thật lại không phải như vậy, điều này ca sĩ Phi Nhung cũng đã từng nói rằng: “...Bài Đàn bà, chú viết cho một người bạn thân là nhạc sĩ, chú không phải viết về chuyện tình của chú…”

Đàn bà là một bài hát gắn liền với tên tuổi của ca sĩ Elvis Phương, những cảm xúc mà ông thể hiện đối với riêng tôi cảm nhận có lẽ là trọn vẹn nhất, tuyệt vời nhất. Cho đến cùng với sự phổ biến và nổi tiếng của ca khúc đã có rất nhiều người thể hiện bài hát rất hay, nhưng có lẽ thành công nhất thì không ai khác ngoài cái tên Elvis Phương.

Nhạc sĩ Song Ngọc qua đời vào ngày 14/10 tại bệnh viện ở Houston, bang Texas (Mỹ), hưởng thọ 75 tuổi (1943 – 2018). Trước đó, ông đã có thời gian chiến đấu với bệnh ung thư phổi và thận.

Góc Xưa Nét Cũ biên soạn